Chủ Nhật, 14 tháng 11, 2010

Tác dụng của mát xa đối với cơ thể

Massage (xoa bóp) là dùng bàn tay, ngón tay tác động lên huyệt, da thịt, gân, khớp nhằm đạt tới mục đích phòng bệnh và chữa bệnh. Ưu điểm của phương pháp này là giản đơn, rẻ tiền, có hiệu quả, phạm vi chữa bệnh rộng, khả năng phòng bệnh tốt. Có thể dùng trong bất kỳ hoàn cảnh nào và không bị lệ thuộc vào các phương tiện khác. 



Phương pháp này có khả năng chữa một số chứng bệnh cấp tính và nhiều khi đạt kết quả nhanh chóng. Dùng massage để chữa một số bệnh mãn tính đảm bảo an toàn, làm xong nhẹ người, triệu chứng bệnh giảm hẳn. Tự massage là để giữ sức khỏe tốt và rất chủ động. Trải qua một quá trình hình thành và phát triển lâu dài, ngày nay phương pháp chữa bệnh bằng massage đã chính thức thành một chuyên khoa chữa bệnh thông dụng có giá trị ở khắp nơi trên thế giới.

Massage là một loại kích thích vật lý, trực tiếp tác động vào da thịt, thần kinh, mạch máu và các cơ quan cảm thụ gây nên những thay đổi về thần kinh, thể dịch, nội tiết, qua đó nâng cao năng lực hoạt động của hệ thần kinh, nâng cao quá trình dinh dưỡng và năng lực công tác của cơ thể.

Tác dụng toàn thân

Nâng cao quá trình dinh dưỡng, năng lực công tác, hoạt động thần kinh, do trực tiếp kích thích vào các cơ quan cảm thụ, gây nên những phản xạ thần kinh có ích, do làm tiết ra các chất nột tiết tế bào (histamin, cholin, hợp chất H, acétycholin…) làm tăng hoạt động của thần kinh và giãn mạch.

Tác dụng tại chỗ

Năng lực bảo vệ của da được nâng cao; khả năng hô hấp cũng được nâng cao do da sạch sẽ; nhiệt độ tăng nhất thời, do mao mạch giãn, da được nuôi dưỡng tốt hơn. Tác dụng với thần kinh: Ảnh hưởng tới vỏ não, tùy trạng thái của người bệnh và thủ thuật massage, có quá trình ức chế tăng hoặc hưng phấn tăng khi kiểm tra điện não đồ.

Ảnh hưởng tới hệ thần kinh thực vật, biểu hiện ở thay đổi của hoạt động nội tạng và mạch máu, như: massage gáy, lưng trên, vai, có thể gây nên thay đổi ở các cơ quan do thần kinh thực vật ở cổ, do trung khu thần kinh thực vật cao cấp ở chất xám của buồng não số 3 chi phối; hoặc massage thắt lưng 1 (TL 1), thắt lưng 2 (TL 2) có thể gây xung huyết ở hố chậu nhỏ. Massage lưng dưới, thắt lưng, xương cùng để điều hòa dinh dưỡng và tuần hoàn các cơ quan trong các hố chậu lớn nhỏ và chi dưới.

Tác dụng với cơ

Làm tăng năng lực hoạt động (sức bền) của cơ, sự mệt mỏi chóng hồi phục. Khi cơ làm việc căng thẳng gây phù nề, cứng, đau, massage có thể làm hết các chứng đó. Phương pháp này ảnh hưởng tốt đến trạng thái teo cơ, làm glycogen tích lũy tăng, cơ được nuôi dưỡng tốt.

Tác dụng với gân, khớp

Massage làm tăng tính co giãn, tính hoạt động của gân, dây chằng, thúc đẩy việc tiết dịch trong ổ khớp và tuần hoàn quanh khớp, do đó, sẽ tiêu trừ được hiện tượng hoạt dịch ứ trệ và hiện tượng túi dịch ở khớp xương sưng to, cải thiện được sự lưu thông của máu và bạch huyết ở chung quanh khớp xương và gân.

Tác dụng với tuần hoàn

Đối với động lực máu, có tác dụng tốt với tim, giảm gánh nặng cho tim, do làm giãn mạch (nên giảm trở lực trong mạch) và trực tiếp thúc đẩy máu tuần hoàn nhanh. Đối với huyết áp, thực tế lâm sàng đã chứng minh là tăng cường massage ở đầu và nửa người phía trên rất dễ làm cho huyết áp tăng lên, ngược lại massage nửa người dưới có thể làm cho huyết áp hạ xuống. Hoặc massage đốt sống cổ 2, 3 sẽ làm hạ huyết áp, massage đốt sống lưng 6, 7 có thể làm tăng huyết áp. Đối với thành phần máu, trong khi massage, số lượng hồng cầu, tiểu cầu hơi tăng, massage xong lại trở về như cũ. Số lượng bạch cầu, huyết sắc tố cũng có thể tăng. Sự thay đổi nhất thời này có thể do phản xạ thần kinh, có thể do tác dụng của thể dịch và có tác dụng tăng cường phòng vệ của cơ thể.

Tác dụng với bạch huyết

Massage rất có tác dụng với hệ thống bạch huyết lâm ba. Bạch huyết lưu thông trong bạch mạch là do sự co rút của cơ, rồi đi vào tĩnh mạch. Massage có tác dụng trực tiếp đẩy bạch huyết theo một hướng nhất định, làm cho tuần hoàn bạch huyết tăng nhanh gấp nhiều lần. Làm tiêu sưng nhanh (cần massage theo hướng tuần hoàn của bạch huyết). Đối với bệnh nhân nặng chân (do đi quá nhiều) hoặc do tuần hoàn của bạch huyết bị trở ngại, có thể nhờ massage làm bạch huyết lưu thông, thúc đẩy tuần hoàn của nước, do đó hết nặng chân và hồi phục bình thường.

Tác dụng với hô hấp

Khi được massage ở ngực, người bệnh thở sâu lên, có thể do trực tiếp kích thích vào thành phần ngực và do phản xạ thần kinh. Nếu massage nhẹ các đốt sống cổ 4, 5 sẽ gây co phổi, massage các đốt sống lưng 6, 7, 8 sẽ làm giãn phổi, do đó có thể dùng massage để chữa các bệnh phế khí thủng, hen phế quản, xơ cứng phổi… để nâng cao chức năng thở và ngăn chặn sự suy sụp của chức năng thở.

Tác dụng với tiêu hóa

Có tác dụng tăng cường nhu động của dạ dày, ruột và cải thiện chức năng tiêu hóa. Khi chức năng tiết dịch tiêu hóa (dạ dày, ruột, gan) kém, nên kích thích mạnh để tăng tiết dịch. Khi tiết dịch tiêu hóa vượng, kích thích vừa hoặc nhẹ để giảm tiết dịch.

Tác dụng với quá trình trao đổi chất

Massage làm tăng lượng nước tiểu thải ra nhưng không thay đổi pH trong máu. Người ta cho rằng 2, 3 ngày sau khi massage, nitơ trong nước tiểu tăng lên và kéo dài vài ngày, có thể do tác dụng phân giải protid của massage gây nên.

Massage toàn thân có thể tăng nhu cầu về dưỡng khí 10 - 15%, đồng thời lượng thán khí cũng thải ra tăng lên tương tự

Không có nhận xét nào: