Chủ Nhật, 17 tháng 5, 2009

Massage chân tại TP HCM

"Bạn nhức đầu, ăn khó tiêu, mất ngủ, đau xương cốt...? Sau một ngày làm việc mệt mỏi, căng thẳng, bạn muốn thư giãn? Đã có massage chân!". Đó là một trong những lời giới thiệu mà nhiều cơ sở massage chân ở TP HCM mời chào khách, và giới "sành điệu" thay nhau tìm đến như một mốt thời thượng. Thế nhưng...


Massage chân (xoa bóp bàn chân) du nhập vào TP HCM mới chỉ hơn một năm nay và đã phát triển lên tới 50-60 điểm, thu hút đông đảo khách vào lúc chiều tối. Phần lớn các điểm nằm trong các câu lạc bộ như ở đường Ba Tháng Hai, Hùng Vương, Hai Bà Trưng, Lê Duẩn; hoặc ở các khách sạn trên đường Hàm Nghi, Lê Văn Sỹ, hay nằm độc lập như cơ sở K. trên đường Nguyễn Tri Phương...



Đa phần khách tới đây là đàn ông trạc ngoại tứ tuần thuộc giới thượng lưu, dân làm ăn lớn, doanh nhân nước ngoài - người Đài Loan, Hong Kong, Trung Quốc... Số phụ nữ lớn tuổi, giàu có thỉnh thoảng cũng lui tới, hay hiếm hơn là một số thanh niên vào cho biết... massage chân là gì. Giá phổ biến cho một lần là 80.000 đồng/suất 60 phút, kèm theo khăn lạnh, trà nóng hoặc sâm lạnh miễn phí (chưa kể tiền bo). Ở những cơ sở lớn có 60-70 ghế thì giá rẻ hơn, khoảng 70.000 đồng/suất và không cho kỹ thuật viên nhận tiền bo của khách. Tại một số địa điểm khác giá cao tới 7-8 USD, có nơi 10 USD. Cũng có nơi massage chân chỉ là một phần trong "dây chuyền" xông hơi xoa bóp, và chỉ làm một số động tác chiếu lệ nhưng khách cũng phải chịu giá tới 200.000 đồng.

Có thực sự hiệu quả?

Tuy được giới thiệu như một loại dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, điều trị bệnh, nhưng ở một số cơ sở, không phải kỹ thuật viên nào cũng nắm được những kiến thức cơ bản về y học và làm đúng quy trình, kỹ thuật massage chân. Thậm chí khi được hỏi bàn chân người có bao nhiều đường kinh, huyệt và tên gọi là gì, thì họ ấp úng trả lời: "Bọn em chỉ được học kỹ thuật day ấn, còn mấy cái đó không biết".

Trên thực tế, kỹ thuật viên ở nhiều nơi chỉ được học những động cơ bản do thày Trung Quốc hoặc Việt Nam, được chủ cơ sở mời, dạy cấp tốc trong 10-15 ngày. Còn những kiến thức thông thường về y học liên quan đến bàn chân thì chưa được đào tạo. Theo Viện Y dược học dân tộc TP HCM, nếu kỹ thuật viên không nắm vững kiến thức, làm không đúng các thủ thuật, hoặc làm không thích hợp, tác động vào huyệt không hợp lý... sẽ không đem lại hiệu quả điều trị, có khi còn gây tác dụng ngược ảnh hưởng đến sức khoẻ, gây tổn thương đau nhức, bầm tím hoặc mệt mỏi cho khách hàng.

Bác sĩ Lê Hùng, Trưởng khoa Huấn luyện Viện Y dược học TP HCM, cho biết, massage chân là một phương pháp điều trị bệnh có từ lâu đời, được đề cập trong rất nhiều tác phẩm kinh điển về y học cổ truyền của Trung Quốc. Phương pháp điều trị là xoa, bóp, day, ấn, nắn (bằng tay hoặc bằng dụng cụ gỗ) với các thủ thuật thích hợp trên các vùng phản xạ để làm mất các triệu chứng bệnh lý, giúp các cơ quan tương ứng trong cơ thể hết bệnh. Tuy nhiên, massage chân cũng chống chỉ định trong một số trường hợp, như những loại nhức đầu cấp tính nguy hiểm không thể dùng xoa bóp bàn chân để điều trị.

Ngoài góc độ xoa bóp chống mệt mỏi phương pháp này còn có tác dụng điều trị, nhưng hiện nay trong các thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế về hành nghề y dược tư nhân không có mô hình này. Bác sĩ Trương Xuân Liễu, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho rằng nên đưa massage chân vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, kỹ thuật viên hành nghề cần phải có bằng cấp chuyên môn chứ không thể day ấn lung tung được

Không có nhận xét nào: