Miễn phí 100.000đ
Cô nhân viên (NV) da trắng như bông bưởi mỉm cười khi nhận tấm phiếu “chăm sóc da miễn phí” và dẫn tôi đến phòng soi da. “Bác sĩ sắc đẹp” hỏi tôi một loạt câu hỏi về nghề nghiệp, tuổi tác, có dùng mỹ phẩm nào không rồi nhận xét: “Da của chị rất đẹp nhưng hơi mỏng, vùng chữ T hơi nhờn. Chị còn trẻ mà bị mắt thâm, nhìn có đuôi hết rồi...”, sau 5 giây soi da. Cô bạn đi chung da đen, mặt láng o cũng được phán một câu tương tự; cô khách hàng ngồi bên phải tôi có làn da trắng muốt nhưng lấm tấm mụn cám cũng nhận được một câu na ná, chỉ khác là “lỗ chân lông của chị hơi lớn, da nhờn nữa nên mụn cám nhiều”. Vừa xong, một NV khác đon đả dẫn tôi xuống lầu và đưa đến quầy... mỹ phẩm với giải thích: “Còn phải tư vấn cho chị nữa”. Cô thao thao bất tuyệt gần cả tiếng đồng hồ tư vấn tôi “nâng cấp” sắc đẹp. “Mỹ phẩm của chúng tôi làm từ thiên nhiên. Bộ này tốt nhất đó chị, đảm bảo sau vài tháng da mặt chị đẹp ngay. Chỉ có 3,1 triệu đồng à” - cô nhỏ nhẹ. Dù thèm làn da bông bưởi của cô NV nhưng cái giá 3,1 triệu đồng làm tôi... “tỉnh” ngay và nhè nhẹ... lắc đầu. “Hay bộ này đi chị, 1,8 triệu đồng với năm lần chăm sóc da miễn phí. Nếu có bất kỳ dị ứng nào, chúng em sẽ đổi lại sản phẩm. Nếu vẫn bị dị ứng thì bên em sẽ hoàn tiền. Đảm bảo chất lượng”. Thấy tôi lại lắc đầu, cô đổi chiến thuật: “Hay chị lấy bộ này đi, rẻ hơn nhưng chất lượng tương đương (?!), giá có 1,5 triệu đồng”; và bồi tiếp: “Đặt cọc cho em 100.000đ cũng được. Khi nào cần thì chị alô, bên em sẽ giao hàng tận nơi...”. “Nếu chỉ chăm sóc da mặt?”, dù hơi thất vọng với khách hàng như tôi, cô NV vẫn rót vào tai tôi những lời đường mật: “Dạ, mỗi suất là 100.000đ, nhưng nếu chị mua tám suất thì chỉ có 600.000đ, mua cả tám suất thì lợi hơn nhiều đấy chị”. “Phiếu ưu đãi có ghi là được miễn phí lần đầu mà” - tôi thắc mắc. Vẫn nụ cười tươi và giọng thật nhẹ nhàng: “Chỉ khi nào chị đóng tiền cho một suất thì mới có miễn phí. Ví dụ, hôm nay chị đóng tiền thì lần này là miễn phí, 100.000 này sẽ được tính vào lần sau...”. Tôi chỉ còn cách móc 100.000đ... đặt cọc. Chị khách hàng khá trẻ bên cạnh cũng phải ứng trước 200.000đ để mua tám suất chăm sóc da dù lúc đầu quyết liệt từ chối “không có thời gian” khi nghe tư vấn những sản phẩm bạc triệu và phiếu matxa bạc trăm ngàn. Đó không phải là cá biệt vì hầu như ai đã vào đây rồi thì cũng mua mỹ phẩm hay ít nhất cũng là phiếu matxa, ít ai về tay không vì muốn đẹp và có lẽ vì... “ngài ngại”. 101 chuyện quanh spa Đóng cọc xong, tôi được đưa vào trong một căn phòng rộng rãi để chuẩn bị cho công đoạn chính: matxa. Nhạc nhẹ nhàng, đèn dịu mát, tất cả mọi người ở đây đều được đắp kín từ chân đến cổ. Nằm gần tôi là một chị nội trợ đứng tuổi, chẳng đầy 10 phút chị đã ngáy đều. Thường xuyên bị mất ngủ nên tranh thủ lúc cậu con ngủ trưa, chị gửi cho bà nội để đến đây thư giãn. Hơn 1 giờ sau, một vài chị ra về với gương mặt tươi tỉnh sau một giấc ngủ sâu, nhưng cũng có chị phàn nàn là thường cảm thấy ngứa, thậm chí mặt còn được “hậu mãi” thêm vài “bông hoa nhỏ” (mụn). Chị Tr., một nhân viên văn phòng vốn “kỹ lưỡng” về nhan sắc, nên dù không tin tưởng lắm đến nhãn hiệu nhưng khi nghe đúng bệnh “da mỏng, mắt thâm” liền tức tốc mua ngay bộ sản phẩm gần 2 triệu đồng để tu bổ dung nhan. Sau hai tuần sử dụng, mụn ngày càng nhiều hơn. Đến “thỏ thẻ” với cô NV thì được cho biết là tại... dùng quá liều, đúng ra chỉ được dùng 1/3 số lượng đã dùng. Cô NV khuyên chị nên tiếp tục thử lại... vài tháng nữa! Không những thế, một số nơi “NV sắc đẹp” khiến khách hàng có cảm giác không an toàn khi xuất hiện với gương mặt “mụn nổi ề ề như... giề cơm cháy” dưới lớp phấn đánh thật đậm. Không chỉ thế, bàn tay còn có cả đốm nhỏ li ti... Hai cô gái trẻ chuẩn bị mua sản phẩm vội vàng rút lui, thà chấp nhận da thâm, nám hơn là bị những “giề cơm cháy” kia ám ảnh... Gần đây, dịch vụ spa nở rộ, giá cả rất cạnh tranh. Nếu trước đây giá không thấp hơn 500.000đ thì nay chỉ cần 100.000 - 200.000 đồng là thượng đế có thể tha hồ lựa chọn. “Giá nào hàng đấy”, những công đoạn, qui trình chăm sóc da dần được đơn giản hóa, ngắn gọn hóa. Quan trọng hơn, các “spa” luôn chú trọng vào lợi nhuận bán sản phẩm nên ép khách mua mà không quan tâm sản phẩm đó có phù hợp với khách hàng. Và không ít trường hợp dở khóc dở cười khiến nhiều thượng đế phải tiền mất tật mang. Theo Tuổi Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét