Theo ước tính, dân số Châu Á sẽ tăng từ 3,2 tỷ năm 2002 lên 5,6 tỷ năm 2050. Cùng với việc tăng tuổi thọ và mức sống sẽ tạo ra nhu cầu lớn về chăm sóc sức khỏe có chất lượng tại khu vực trong thời gian tới. Do vậy, các nước Châu Ánhư Singapore, Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc… đang đẩy mạnh đầu tư, quảng bá, xúc tiến sản phẩm du lịch chữa bệnh và có sự cạnh tranh gay gắt trong việc trở thành điểm đến du lịch hàng đầu về chăm sóc sức khỏe và chữa bệnh của khu vực.
Đối với Singapore, nước này hiện có hệ thống y tế vào loại tốt nhất trên thế giới với đội ngũ chuyên gia, y bác sĩ giỏi, trang thiết bị hiện đại, tiên tiến. Tuy nhiên, dân số Singapore chỉ có 4 triệu người nên số lượng bệnh nhân trong nước không đáp ứng đủ hệ thống y tế mới, hiện đại. Do vậy, các nhà cung cấp dịch vụ y tế Singapore phải tìm cách mở rộng thị trường ra bên ngoài, thu hút bệnh nhân quốc tế đến chữa bệnh nhằm tăng thu nhập, tạo việc làm, đồng thời giúp đội ngũ giáo sư, bác sĩ nước này liên tục trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn. Tháng 10 năm 2003, Cục Du lịch Singapore đã phối hợp với Cục Phát triển kinh tế và Cục Đầu tư nước ngoài Singapore đưa ra sáng kiến liên ngành thành lập cơ quan “Singapore – Medicine”. Mục đích hoạt động của cơ quan này là thu hút du khách quốc tế đến chữa bệnh tại Singapore nhằm phát triển nước này thành trung tâm chữa bệnh hàng đầu tại Châu Á. Năm 2002, đã có 210.000 du khách đến Singapore chữa bệnh, năm 2004, con số này tăng 50% đạt 320.000 lượt.
Hiện nay, Singapore cung cấp những dịch vụ y tế tốt nhất trong những lĩnh vực cấy ghép bộ phận, tim, sản, phẫu thuật chỉnh hình, ung thư, tiết niệu, giải phẫu thần kinh, mắt. Nhiều tập đoàn y tế lớn cung cấp dịch vụ chữa bệnh cho bệnh nhân nước ngoài điển hình là Raffles Medical Group, National Healthcare Group và SingHealth. Trong đó, 34% khách hàng của Raffles Medical Group là du khách quốc tế đến từ Indonesia, Malaysia, Australia, Anh và Mỹ. Bệnh viện Đại học quốc gia (National University Hospital) thuộc NHG có trang thiết bị, tiện nghi, dịch vụ hoàn hảo như một khách sạn 5 sao thường đón 10% bệnh nhân quốc tế.
Mặc dù phải chịu sự cạnh tranh gay gắt, nhưng Singapore không đặt ra mục tiêu giảm giá. Điều quan trọng là duy trì chất lượng, uy tín dịch vụ thông qua việc nâng cao trình độ chuyên môn của các y bác sĩ, áp dụng công nghệ y học tiên tiến và cải thiện môi trường y tế lành mạnh. Nhằm kết hợp du lịch với chữa bệnh, Cục Du lịch Singapore chủ trương kết hợp giữa các nhà cung cấp dịch vụ y tế và các công ty lữ hành để đưa ra sản phẩm du lịch trọn gói chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, Cục cũng tăng cường quảng bá, xúc tiến những dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh tuyệt hảo hiện có tại Singapore trên thị trường khu vực và quốc tế.
Hiện nay, loại hình du lịch chữa bệnh còn khá mới tại Việt Nam. Mặc dù, hệ thống cơ sở y tế của Việt Nam chưa hiện đại và tiên tiến như mặt bằng chung khu vực nhưng chúng ta hoàn toàn có thể khai thác nền y học dân tộc, cổ truyền trong việc mở các trung tâm chăm sóc sắc đẹp (spa), phục hồi sức khỏe, châm cứu phục vụ du khách. Các trung tâm này có thể nằm trong các khách sạn, khu nghỉ mát, khu suối nước nóng hoặc độc lập với quy trình làm đẹp khép kín. Với lợi thế là sự nồng hậu, mến khách của người Việt Nam và chi phí rẻ, hy vọng rằng trong tương lai không xa Việt Nam sẽ là điểm đến du lịch chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh ưa chuộng của du khách khu vực và quốc tế.
Theo ykhoanet.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét